DÒNG KÍ ỨC

DÒNG KÍ ỨC

Ngôi trường tôi gắn bó đã hơn hai mươi năm tuổi. Thanh xuân của bạn, của tôi, của chúng ta ở mái trường này! Thời gian có thể làm phai nhoà nhiều thứ nhưng những kỉ niệm êm đềm, tươi đẹp luôn được cất giữ trong tim, đợi một ngày thổn thức …

Khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi là được sống, làm việc với ngôi trường Nguyễn Đức Ứng, với  đồng nghiệp  và bao lứa học sinh thân yêu.

Có lẽ trong số giáo viên của trường THCS Nguyễn Đức Ứng, tôi là một trong những giáo viên hạnh phúc nhất. Bởi tôi là một trong số giáo viên được chứng kiến giây phút long trọng và xúc động khi cắt băng khánh thành ngôi trường yêu dấu này-ngày 03-01-2002. Thời khắc ấy đến giờ vẫn còn bồi hồi trong lồng ngực và rưng rưng nơi khóe mắt.

 Khi ấy tôi mới ngoài hai mươi tuổi. Một cô gái gốc Bắc vào Nam theo học sư phạm. Tôi tốt nghiệp ngành Văn  năm 1999. Mọi thứ đều vô cùng lạ lẫm với tôi. Ngày ấy chúng tôi ra trường là được chọn trường để dạy chứ không như bây giờ. Tôi đạp xe theo chúng bạn gần hai mươi cây số lên  Phòng giáo dục Long Thành nhận nhiệm sở. Sau khi làm lễ, công bố danh sách sinh viên tốt nghiệp là đến phần chọn trường để lãnh đạo hoàn thành hồ sơ và trao quyết định về trường nào cho chúng tôi.  Danh sách trường đưa lên, tôi rối trí thật sự, tôi không biết chọn trường nào bởi lẽ chưa biết những trường đó ở đâu. May quá có cô bạn cũng tên Huyền (bây giờ công tác ở Trường THCS Tân Thành) là dân bản địa nên cô ấy nói tôi nên chọn THCS Long Thành. Thế là tôi ôm hồ sơ tìm đến trường THCS Long Thành. Công việc trồng người của tôi bắt đầu rất tự nhiên và suôn sẻ. Ấn tượng nhất với tôi là sĩ số học sinh  lớp 6 khi ấy. Trường có  16 lớp 6, mỗi lớp khoảng sáu mươi học sinh.  Khối 6 phải học ở dãy nhà lụp xụp ngay quốc lộ 51 A. Trời mưa thì dột ướt, cô trò vừa học vừa tránh mưa. Còn trời nắng thì mồ hôi ướt đầm vì không có quạt. Hàng ngày, tôi đạp chiếc xe cọc cạch đến trường. Có một lần sơ ý, tà áo dài của tôi quấn vào bánh xe thế là tôi ngã lăn ra đường. Một phụ huynh gần đấy nhận ra tôi và đỡ tôi dậy. Áo dài thì lấm lem, tay chân thì trầy xước. Nhưng cô trò chúng tôi không cảm thấy vất vả hay thiếu thốn vì cô thì trẻ  trung yêu nghề, yêu trò còn trò thì hiếu học và cũng mê cô giáo trẻ. Dạy được vài tháng thì tôi nghe nói huyện sắp xây ngôi trường THCS  thứ hai cho thị trấn để giảm bớt sĩ số cho trường THCS Long Thành. Cả cô và trò chúng tôi đều ngóng trông và mơ tưởng. Khi trường  xây xong, cũng là lúc tách học sinh và giáo viên của trường THCS Long Thành ra chia  cho trường mới. Chúng tôi lại được tự nguyện chọn đi trường mới hay ở lại  trường cũ chứ cũng không phải bốc thăm. Thế là lứa giáo viên trẻ chúng tôi hăm hở lên đường đến chân trời mới.   “Chân trời” ấy chính là trường THCS Nguyễn Đức Ứng của chúng ta hôm nay. Có mặt trong buổi cắt băng  khánh thành ngày ấy còn có  cô Vũ Hoa, cô Tình, cô Thỏa, cô Tuyết Hằng, cô Thu Thủy, cô Đăng Lan và một số thầy cô nữa  mà tôi không nhớ hết. Chúng tôi sung sướng cầm từng dải băng đỏ, trong lòng dâng lên bao cảm xúc và quyết tâm.  Từ đấy, ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi nhớ lắm ngày đầu tiên đặt chân đến nơi đây, trường rộng lớn, khang trang và tiện nghi.  Lòng tôi hân hoan và tự hứa sẽ dốc hết tâm huyết, sức lực cho ngôi trường này.

 Ban giám hiệu thập niên đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Văn Hươn, thầy Phan Văn Lợi và cô Trần Bích Thủy. Đội ngũ Ban giám hiệu có tâm và nhiệt huyết nên chúng tôi cũng hòa vào guồng quay ấy.  Bao nhiêu hội thi, bao nhiêu phong trào, tôi đều góp mặt nhiệt tình. Có khi mang thai bốn tháng mà vẫn tham gia hội giảng huyện. Ngày ấy, năm nào cũng hội giảng huyện, hai năm thì hội giảng tỉnh một lần. Hội giảng huyện phải di chuyển xuống tận Phước Thái, dụng cụ trực quan tự làm và mang theo rất lỉnh kỉnh. Thành tích thì cũng có nhưng tôi biết mình bé nhỏ giữa tập thể các thầy cô vững vàng được điều về làm lực lượng nòng cốt cho trường như cô Tuyết Mai(Văn), thầy Nhậm(Lý), cô Phước (Sinh), thầy Mộng Hùng(Hóa), cô Yên Vân(Tiếng Anh), cô Thiện, thầy Huy Hùng(Toán ), cô Chơn(Lịch sử),… Và tôi thầm cảm ơn những anh chị đồng nghiệp đã yêu mến và giúp đỡ tôi. Ngày ấy, tôi đã sống và cống hiến với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Học sinh ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ đã hỗ trợ tích cực cho chúng tôi. Suốt nhiều năm liền, trường đạt được những thành tích đáng kể như trường có nhiều giáo viên và học sinh  giỏi nhất, trường khang trang và tiện nghi nhất,... Đồng nghiệp trường bạn luôn dành lời khen ngợi cho thầy trò Nguyễn Đức Ứng chúng tôi. Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi rất vui và tự hào về ngôi trường mình gắn bó. Tên tuổi ngôi trường mang tên lãnh binh Nguyễn Đức Ứng  được nhiều người biết đến từ đó.

Ban giám hiệu thập niên thứ hai của trường là thầy Ngô Văn Tất, thầy Cao Bá Phán và thầy Phan Mạnh Cường. Bộ ba chân kiềng vững chãi đã tiếp tục chèo lái con thuyền Nguyễn Đức Ứng cập những bến bờ vui và tiếp tục gặt hái được những thành tích đáng nể. Trong thời gian này, những thầy cô được coi là những cánh chim đầu đàn ngày ấy lần lượt rời bục giảng về nghỉ ngơi. Trường đã vắng bóng các thầy cô lớn tuổi. Còn đâu những hình ảnh cô  Thiện, cô Lộc, cô Na đến trường với chiếc xe đạp và chiếc nón lá quen thuộc? Còn đâu thầy Lợi ôn hòa, nhã nhặn gặp ai cũng mừng, gặp ai cũng chào? Còn đâu tiếng cười rộn rã cả sân trường của chị Kim Loan? …Lớp giáo viên trẻ chúng tôi ngày nào, bây giờ đã trở thành những giáo viên lớn tuổi gần nhất trường. Có chút bùi ngùi lưu luyến, có chút hoài niệm về một thời đã qua.

Đến  thập niên thứ ba, trường được thổi một làn gió mới. Bên cạnh đội ngũ  giáo viên cũ nhiệt huyết, tận tâm, nhà trường tuyển dụng thêm rất nhiều giáo viên trẻ năng động, sáng tạo. Đặc biệt là sự lãnh đạo của bộ ba Ban giám hiệu có tầm có tâm như thầy Lê Văn Nhậm, cô Hoàng Thị Hải Yến, thầy Vương Sĩ An. Và cũng phải kể đến thầy Tổng phụ trách Đội Lê Thanh Hy, người đã có ảnh hưởng lớn đến các phong trào thi đua và nề nếp của nhà trường. Với đội ngũ giáo viên như thế báo hiệu những niên khóa tới có nhiều khởi sắc.

          Gần hai mươi lăm  năm, những tiết giảng bài, những buổi cắm trại, những giờ sinh hoạt ngoại khoá, những đêm văn nghệ, …tôi cùng với đồng nghiệp đã cháy hết mình trong những năm tháng ấy. Tôi hạnh phúc vì đã góp phần làm nên tên tuổi của trường Nguyễn Đức Ứng.Tất cả đã cho tôi những ngày tháng đẹp đẽ không thể nào quên.

Trường THCS Nguyễn Đức Ứng  là ngôi nhà của tôi. Ở đó, tôi có những người anh, người chị, người em, có bao lớp học trò yêu quý. Và tôi biết rằng, khoảng thời gian gắn bó với trường đã cho tôi thật nhiều niềm vui, thật nhiều kinh nghiệm!

Trường Nguyễn Đức Ứng của tôi ngày ấy, giờ đây sắp bước vào tuổi 25 - tuổi căng tràn nhựa sống. Chúc cho ngôi trường yêu dấu của tôi luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Tại ngôi trường này, bao thế hệ học trò đã trưởng thành, tung cánh bay đi mọi miền đất nước. Tôi lặng lẽ quan sát ngôi trường, hạnh phúc và  tự hào khi dõi theo từng bước chân trưởng thành của học trò, của đồng nghiệp. Học sinh giỏi ngày càng nhiều hơn, đội ngũ thầy cô giáo ngày càng đông đảo hơn, vững vàng hơn.

Vâng! Hơn hai mươi năm trong nghề, tôi nghiệm ra thành công của người thầy chính là ở sự thành đạt và tình cảm của các thế hệ học trò, đó là thước đo công bằng và chính xác nhất.

Giờ đây, khi mái tóc đã hoa râm, hồi ức về ngôi trường  trong tôi càng lúc càng trở nên rõ nét và tươi đẹp. Tận sâu trong tâm khảm ngân lên những lời thơ tha thiết:

Mùa này lặng ngắm nơi đây.

Tưởng thấy hoàng lan thơm ngào ngạt.

Tưởng thấy sân trường,

hàng phượng vĩ  thân thương…

Tường lớp mới,

mùi vôi còn bỡ ngỡ…

Thấy học  trò tươi vui trang vở…

Nguyễn Đức Ứng ơi! Lòng tôi luôn hướng về!

Giáo viên: Hoàng Thị Huyền

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 49
  • Trong tuần: 692
  • Tất cả: 64736